Các chữ viết tắt trên ô tô

Đăng bởiNguyen Linh vào lúc

Có nhiều cụm từ thì dễ nhớ, và chừng mực nào có thể hiểu được. Nhưng cũng có nhiều ký tự gần như vô nghĩa với người sử dụng, chẳng hạn: LX, V6, MDX, Skyactiv… Nhìn những ký tự đó bên ngoài thân xe mà như đánh đố.

Và đa phần mọi người chẳng buồn tìm hiểu những thứ đó nghĩa là gì.

Nhưng với người yêu thích xe hơi, thì những ký hiệu vô hồn đó lại kích thích sự tò mò, và muốn tìm hiểu cho tỏ tường.

Nếu bạn cũng có ý muốn tìm tòi như vậy, thì bài viết này sẽ hữu ích cho bạn. Tôi đã sưu tập, tra cứu, và tìm cách “giải mã” những ký hiệu tưởng chừng như vô nghĩa vừa nói ở trên. Tất cả chỉ là để cho thỏa cái sự tò mò, cái máu ham tìm hiểu của những người yêu thích xe hơi.

Giờ chúng ta bắt đầu.

Trước hết, phải nói rằng trên xe ô tô có rất nhiều loại chữ và số, cả bên ngoài và bên trong. Ở đây tôi chỉ tập trung vào những gì nằm phía ngoài vỏ xe. Còn những ký hiệu hoặc ký tự phía trong xe thì tôi sẽ viết một bài riêng sau.

Các chữ viết tắt trên xe hơi

Ký hiệu trên đuôi xe Mercedes-Benz E400 AMG

Chỉ tính những chữ viết tắt phía ngoài thân xe cũng có nhiều loại, với ý nghĩa khác nhau. Để đơn giản, tôi tạm phân ra theo đối tượng đã gắn những thứ đó lên xe. Về cơ bản thì có 3 nhóm: hãng xe, chủ xe, và bên thứ 3 nào đó.

Giờ tôi nêu chi tiết từng nhóm.

1. Các ký tự do hãng xe gắn vào

Các hãng xe thường gắn hay dán các ký tự lên phía ngoài thân xe để thể hiện một thông điệp nào đó. Thường thì mỗi hãng quy ước riêng về các cụm chữ số của riêng xe hãng mình.

Nhưng tựu chung, tôi thấy có 3 loại chữ viết tắt chính như sau:

Hiệu xe

Nhãn hiệu xe thường là một cái tên đầy đủ như Toyota, Kia, Ford… Nhưng thực tế, tên một số hãng xe cũng là những từ viết tắt, chẳng hạn như:

  • BMW (Bayerische Motoren Werke),
  • GMC (General Motor Corporation), hay 
  • FIAT (Fabbrica Italiana Automobili Torino)… 

Nhưng vì đó là thương hiệu tên tuổi nên nhiều người biết, mà coi là tên gọi thay vì chữ viết tắt. Nhưng với những ai chưa quen, thì những chữ cái đó cũng chẳng thể hiện được gì nhiều.

Ký hiệu model của xe

Cũng giống như hiệu xe, nhiều model xe là những từ hoặc cụm từ có nghĩa, dễ nhớ. Ví dụ tiêu biểu là các mẫu xe Honda Civic, Toyota Corolla, Hyundai Santa Fe...

Nhưng bên cạnh đó, thì vẫn có những model là chữ viết tắt như MDX của Acura, CR-V của Honda, RX của Lexus… Loại này mới gây cho chúng ta bối rối, vì chẳng hiểu gì, chẳng nhớ được mấy.

Ký hiệu phiên bản xe hơi

Chi tiết hơn là các ký hiệu phiên bản xe như LX, EX... Thông tin phiên bản xe thì lại đa phần là các chữ viết tắt, chứ ít khi là cả cụm từ như nhãn hiệu hay model xe.

Ký hiệu thể hiện công nghệ mới

Trên thân xe, bạn có thể để ý các ký hiệu thể hiện công nghệ mới mà hãng muốn “khoe”. Chẳng hạn như:

  • Công nghệ Skyactiv​Skyactiv của Mazda: cải thiện hiệu suất bằng cách thay đổi tỷ số nén, giảm ma sát
  • VVT-i (Variable Valve Timing with intelligence) của Toyota: Hệ thống điều khiển xu-páp với góc mở biến thiên thông minh, tối ưu hóa lượng khí nạp vào xi-lanh.
  • VTEC (Variable valve Timing and lift Electronic Control) của Honda: Hệ thống phối khí đa điểm và kiểm soát độ mở xu-páp điện tử.
  • V6; V8: Kiểu động cơ 6 hoặc 8 xi-lanh có kết cấu xi-lanh xếp thành hai hàng nghiêng, góc nghiêng giữa hai dãy xi-lanh hay mặt cắt cụm máy tạo hình chữ V

Một số ký hiệu khác trên thân xe

  • Hybrid: Công nghệ chế tạo kết hợp động cơ xăng và động cơ điện nhằm giảm thiểu mức tiêu hao nhiên liệu. Có hãng xe dùng nguyên cả chữ “Hybrid”, nhưng cũng có hãng như chỉ để chữ “h” sau ký hiệu phiên bản xe, chẳng hạn như Lexus RX 450h.
  • 4WD: 4 Wheel Drive (dẫn động 4 bánh)
  • AWD: All Wheel Drive (dẫn động tất cả các bánh), thường là liên tục tại mọi thời điểm.

Ngoài các ký tự do nhà sản xuất gắn cố định trên xe, thì còn có các cụm từ, ký hiệu viết tắt do bên thứ 3 hoặc chủ xe gắn thêm vào. Tôi sẽ nói về từng loại tiếp theo đây...

2. Các ký tự của bên thứ 3

Đây là các cụm từ, hay ký hiệu trên xe là do nhà sản xuất phụ kiện hoặc bên thứ 3 khác đưa vào.

Điển hình là tem I’m V-Kool.

Hồi đầu mới thấy, tôi cứ ngỡ đề-can đó khoe công nghệ xe hơi, chắc là thân thiện với môi trường hay gì gì đó chẳng hạn. Nhưng sau tìm hiểu mới vỡ lẽ đó là tem khẩu hiệu của hãng phim cách nhiệt cho ô tô V-Kool.

Trường hợp khác mà tôi hay thấy là các salon, gara ô tô dán tem salon miễn phí cho xe mà họ chăm sóc, để quảng cáo cho doanh nghiệp của mình.

3. Các ký tự do chủ xe tự dán vào

Loại này tất nhiên là tùy ý chủ xe dán vào, nhưng không được trái quy định của pháp luật nếu không muốn bị mấy bác đăng kiểm làm rầy rà.

Điển hình là các loại đề-can dán do chủ xe dán thêm lên để thể hiện một thông điệp nào đó. Chẳng hạn như: Baby in car (có trẻ em trên xe).

Ngoài ra, một số chủ xe là thành viên của một công ty, tổ chức, hội đoàn… nào đó, thì họ cũng hay dán đề-can thành viên. Ví dụ như tem của diễn đàn Otofun cũng được rất nhiều thành viên dán phía đuôi xe.

Thực ra, nếu nói về các chữ viết tắt trên vỏ xe ô tô thì vẫn còn nhiều nữa. Trong bài viết này tôi liệt kê những loại phổ biến nhất, với mong muốn đem lại cho bạn một vài thông tin hữu ích.


Bài viết cũ Bài viết mới


Scroll To Top