Lái xe trong bão lũ: Mang theo ít nhất 1 số điện thoại cứu hộ

Đăng bởiNguyễn Ly vào lúc

Trong tình hình bão lũ diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương hiện nay, lái xe ra đường cần tuân thủ những nguyên tắc an toàn cho người và xe.

Lái xe trong bão lũ: Mang theo ít nhất 1 số điện thoại cứu hộ - 1

Trời mưa bão sẽ gây khó khăn và nguy hiểm cho các lái xe, đặc biệt ở những khu vực miền núi thường xuyên có hiện tượng sạt lở đất...
Dưới đây là những kinh nghiệm quan trọng giúp bạn lái xe an toàn trong điều kiện thời tiết khó khăn này.

1. Tuyệt đối không liều lĩnh vượt ngầm tràn
Trên các tuyến đường miền núi, vùng cao thường có ngầm tràn cắt ngang qua đường. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp xe trôi, tai nạn khi lái xe liều lĩnh lao qua ngầm tràn để sang bờ bên kia.

Khi mực nước dâng cao, xe lao xuống nước không khác gì chiếc thuyền. Nước sẽ đẩy xe nổi bồng bềnh mất kiểm soát và nhanh chóng cuốn trôi, đặc biệt nguy hiểm.

Do vậy lái xe cần cẩn trọng đánh giá kỹ tình hình và không nên lao xe ra giữa dòng, đánh đu với tử thần. Trong những trường hợp này, dừng xe chờ nước rút xuống mức an toàn luôn là một quyết định khôn ngoan.

2. Cảnh giác những đoạn đường sạt đất, lở đá
Mạng xã hội vừa chia sẻ hình ảnh một chiếc xe bán tải bị cuốn xuống vực trong chớp mắt. Chiếc xe bán tải phải “chôn chân” trên nền đất mềm, trong khi đó đất cát từ vách sạt lở dần rồi kéo phương tiện này xuống vực. Chủ xe không thể làm gì hơn ngoài việc đứng nhìn xe trôi.
Khi tham gia giao thông tới những địa hình phức tạp, đặc biệt sau mưa lũ, chủ xe cần dừng xe nơi an toàn, xuống thăm dò đường, xem lượng bùn đất cao tới đâu, liệu xe có thể qua được hay không. Từ đó đưa ra quyết định đi tiếp hay dừng lại, tránh để sa lầy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, có thể gây hậu quả nghiêm trọng như trong tình huống xe bán tải nêu trên.

Chủ xe cũng cần đặc biệt chú ý việc đất đá sụt lở từ trên xuống nền đường, có thể có những tảng đá lớn lăn xuống đè bẹp xe, nguy hiểm tính mạng.

3. Duy trì khoảng cách thích hợp
Lái xe cần duy trì đối với các xe đi trước, không nên chạy song song với xe ô tô nào. Quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.

Hãy cố gắng chạy xe ở giữa làn đường, vì ở 2 bên đường thường trũng, lượng nước ngập nhiều hơn.

4. Không đi gần những xe trọng tải lớn
Không nên đi gần những xe trọng tải lớn, bởi những dòng nước bắn ra từ những bánh xe kích cỡ lớn sẽ làm giảm tầm quan sát của bạn. Tuy nhiên, đừng cố vượt khi bạn chưa chắc chắn về tầm nhìn cũng như khả năng tăng tốc của xe mình.

Không nên vượt quá giới hạn mà tầm nhìn cho phép. Trời mưa to sẽ hạn chế tầm nhìn của tài xế. Chỉ vượt khi đã thực sự cảm thấy điều kiện vượt đủ an toàn. Lái xe cũng cần lưu ý đặc biệt trên những đoạn đường cua.

Trong điều kiện đường cua, mặt đường trơn ướt, khi phanh gấp khả năng cao xe sẽ bị văng, mất lái, mất kiểm soát, dễ dẫn tới tai nạn.

5. Bật đèn
Bật đèn cốt hoặc đèn sương mù ngay cả khi mưa nhỏ cũng như lúc trời âm u. Điều này không chỉ giúp bạn quan sát đường tốt hơn, mà còn giúp các lái xe khác thấy rõ bạn. Không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện vì nó sẽ gây nguy hiểm cho cả hai khi lưu thông.

Trong điều kiện sương mù dày đặc, bạn nên dừng hoàn toàn việc di chuyển. Nếu buộc phải đi, bạn nên đi chậm với tốc độ dưới 10km/h và bật đèn khẩn cấp trong toàn hành trình.

6. Đi số thấp, giữ ga cao khi qua vùng nước ngập
Khi đi trong khu vực ngập nước, hay giữ tốc độ động cơ (vòng tua máy) cao để tránh nước lọt vào ống xả, khiến xe "chết máy". Với xe số sàn, nên để số 1, còn với xe số tự động có các số D1, D2… hãy chuyển về D1, cố gắng giữ vòng tua máy cao nhất ở mức có thể. Lưu ý khi mức nước ngập nửa lốp xe - tức là đã đến giới hạn không nên vượt qua. Với xe gầm cao, có thể đi qua nhưng không được để nước tràn qua mũi xe vào cửa gió và động cơ.

Đứng trước điều kiện đường ngập mênh mông, lái xe cần dừng xe thận trọng thăm dò độ sâu mực nước, lực chảy... từ đó đưa ra quyết định có cho xe đi tiếp hay dừng lại. Đây là lưu ý hết sức quan trọng. Không nên "nhắm mắt" ngồi trên xe "phi bừa", dễ gặp hậu quả đáng tiếc. Một kinh nghiệm: Nếu xe cùng loại phía trước đi qua đoạn ngập không mấy khó khăn thì xe mình cũng có thể vượt qua.

Khi đi qua khu vực ngập nước cố gắng tránh thời điểm có xe đi ngược chiều. Hai xe đi ngược chiều sẽ tạo sóng hoặc hắt nước ngược lên capo xe, gây nguy cơ nước tràn vào họng hút và khoang động cơ.

7. Lái xe tốc độ chậm rãi, thận trọng qua khu vực ngập nước
Không phóng xe tốc độ cao vào vũng nước, vì như vậy rất dễ bị nước sục vào họng gió, cũng như tạo "sóng nước", nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác. Ngoài ra khi lái xe tốc độ cao vào vũng nước, xe sẽ lập tức mất lái, có thể gây ra tai nạn tức thì.

 8. Làm gì khi xe đột ngột chết máy?
Nếu xác định được nguyên nhân xe chết máy do nước tràn vào động cơ, lái xe tuyệt đối không khởi động lại động cơ, mà bật đèn khẩn cấp (đèn hazard, kí hiệu hình tam giác trên mặt tablo), sau đó gọi cứu hộ kéo xe về gara.

Việc khởi động lại động cơ khi nước xâm nhập buồng đốt, sẽ gây ra tình trạng thủy kích, cong tay biên, vỡ lốc máy, để lại hậu quả vô cùng nặng nề, có thể gây hỏng hoàn toàn cỗ máy và phải thay mới.

9. Tắt hết phụ tải
Khi lái xe vượt qua vùng ngập nước, bạn nên tắt toàn bộ các thiết bị phụ tải không cần thiết như: hệ thống điều hòa, âm thanh… để giảm tải cho động cơ.

10. Lưu ít nhất 1 số điện thoại cứu hộ
Bạn nên lưu ít nhất 1 số điện thoại cứu hộ và chắc chắn lưu đúng số, cũng như trung tâm cứu hộ đó vẫn đang hoạt động. Tốt nhất trước hành trình hãy chuẩn bị những số điện thoại cứu hộ cần thiết ở những nơi mình đi qua.
 

Bài viết cũ Bài viết mới


Scroll To Top