Đỗ ô tô trước nhà, cản lối người khác: Luật sư nói gì, xử phạt ra sao?

Đăng bởiNguyen Linh vào lúc

Luật giao thông đường bộ đã có những điều khoản quy định cụ thể về việc dừng, đỗ xe. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, chủ ô tô đỗ xe trước nhà dân sẽ không sai phạm và chưa có chế tài xử phạt cụ thể.

Không phải trường hợp nào ô tô đỗ trước cửa nhà dân cũng bị phạt

Không phải trường hợp nào ô tô đỗ trước cửa nhà dân cũng bị phạt

Ô tô được đỗ ở đâu?

Vụ việc một chiếc ô tô hiệu Honda CR-V màu đỏ bị xịt sơn loang lổ trên thân xe ở TP. Hải Phòng mới đây đang khiến mạng xã hội xôn xao. Nhiều người lên tiếng bày tỏ sự bức xúc với hành vi đỗ xe vô ý thức của chủ xe. Bên cạnh đó, không ít cư dân mạng cũng thắc mắc về chế tài xử phạt đối với những trường hợp như trên. Liệu có phải tất cả những hành vi đỗ xe trước cửa nhà, chặn lối đi của người khác đều sai phạm và sẽ bị xử phạt?

Thực tế không phải như vậy. Luật Giao thông đường bộ 2008 có nhiều điều khoản quy định về dừng, đỗ xe trên đường bộ. Cụ thể, Khoản 3 Điều 18 quy định, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định như cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình. Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.

Đỗ ô tô trước nhà, cản lối người khác: Luật sư nói gì, xử phạt ra sao? - ảnh 1

Luật giao thông đường bộ đã quy định rõ những trường hợp được phép đỗ xe

Ngoài ra, Khoản 4 điều này cũng nêu rõ, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí gồm bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; song song với một xe khác đang dừng, đỗ; trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; nơi dừng của xe buýt; trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; trong phạm vi an toàn của đường sắt; che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Trong khi đó, đối với người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố, Điều 19 của luật này quy định, lái xe phải tuân theo quy định tại Điều 18 và phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét. Bên cạnh đó, lái xe không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

Như vậy, trong trường hợp tài xế đã đỗ xe đúng với những quy định nêu trên thì đương nhiên không bị xử phạt, kể cả khi đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác.

Đối với việc xử phạt, khi tài xế dừng đỗ xe vi phạm những điều khoản kể trên, tùy trường hợp sẽ có mức phạt hành chính khác nhau, từ 400.000 đồng – 2.000.000 đồng.

Quy định xử phạt chưa “thỏa đáng”: Luật sư nói gì?

Liên quan đến vụ việc chiếc Honda CR-V bị xịt sơn trên thân xe tại TP. Hải Phòng, tương tự nhiều vụ việc trước đó, không ít người cho rằng việc quy định về dừng, đỗ xe tại Luật giao thông đường bộ cũng như quy định xử phạt tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP là chưa “thỏa đáng” và thiết sót. Bởi trong nhiều trường hợp, dù đậu xe trước cửa nhà, chặn lối đi hoặc ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của người khác, nhưng nhiều chủ xe lại không bị bất cứ hình thức xử phạt, chế tài nào.

Mặc dù vậy, trao đổi với Thanh Niên, Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát - TP.HCM) cho rằng, quy định của luật pháp đối với vấn đề dừng, đỗ xe như hiện nay là phù hợp.

Theo Luật sư Phát, quy định này dựa trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích chung và riêng. “Chúng ta không thể vì lợi ích riêng của những khu nhà mặt tiền mà đưa ra các quy định xâm phạm đến lợi ích chung của người khác. Trong khi, bài toán cho việc dừng đỗ xe trong các đô thị lớn, hiện nay vẫn chưa có lời giải thì việc người dân được phép đậu đỗ xe ở những nơi không gắn biển cấm, không vi phạm quy định về nguyên tắc đỗ xe theo Luật giao thông đường bộ là điều có thể chấp nhận được.

Đỗ ô tô trước nhà, cản lối người khác: Luật sư nói gì, xử phạt ra sao? - ảnh 2

Luật sư Lê Trung Phát cho rằng quy định về việc dừng, đỗ xe như hiện nay là phù hợp

Không những ở nước ta, mà nhiều nước phát triển hơn, vẫn cho phép điều này. Bản thân các chủ nhà mặt tiền, họ cũng chỉ bỏ tiền ra mua phần quyền sử dụng đất và nhà nước giao đất cho họ được sử dụng từ ranh đất của mình. Vì vậy, họ không thể nói rằng phần không gian phía trước là của họ nên việc đậu đỗ xe đã cản trở việc kinh doanh.

Quay lại câu chuyện, việc đỗ xe chỉ có thể bị xem là xâm phạm đến quyền lợi của nhà mặt tiền, khi nó thật sự cản trở sự ra vào, cản trở đến hoạt động sống thường ngày của chủ nhà. Còn nếu, nó chỉ hạn chế, thì chủ nhà và người đỗ xe cần dung hòa lợi ích (có thể đỗ xe giữa hai số nhà liền kề). Chủ nhà mặt tiền không thể tự ý có những hành động như vẽ sơn hay đập phá chiếc xe đã đỗ. Bởi như vậy có thể khiến cho chủ nhà mặt tiền rơi vào vòng xoáy của pháp lý, có khi bị khởi tố vụ án hình sự về hành động cố ý làm hư hỏng, hủy hoại tài sản của người khác”.

Cũng theo Luật sư Phát, “người dân được phép báo cho công an phường xuống để trung gian giải quyết, bởi nếu để các bên tự hành xử, có thể dẫn đến mất an ninh trật tự của địa phương. Còn để xử lý hành vi cản trở hoạt động thường nhật của người dân, thì thật sự chưa có chế tài”.

 

 

Bài viết cũ Bài viết mới


Scroll To Top