TRẠM BOT KHÁNH HÒA ĐƯỢC LẬP RA NHƯ THẾ NÀO?

Đăng bởiDuong Minh Trong vào lúc

Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, lập trạm thu phí Ninh An nhằm hoàn vốn BOT do nhà đầu tư mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A.


Năm 2012, Bộ giao thông Vận tải phê duyệt mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, qua Khánh Hòa. Mục tiêu là mở rộng quốc lộ cũ và xây mới tuyến đường quan trọng của Khánh Hòa giáp Ninh Thuận và Phú Yên, giúp giảm thiểu tai nạn, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho miền Trung - Tây nguyên.

Sau khi làm việc với địa phương cùng các đơn vị, Bộ đã có báo cáo và được Chính phủ phê duyệt, cho chỉ định đấu thầu. Dự án được giao cho Công ty BOT Đèo Cả Khánh Hòa làm chủ đầu tư.

Trạm Ninh An liên tục bị hỗn loạn

Trạm thu phí Ninh An nhiều lần bị hỗn loạn do tài xế phản ứng. Ảnh: An Phước.

Tuyến Quốc lộ 1A ở phía Bắc của tỉnh này từ huyện Vạn Ninh đến thị xã Ninh Hòa, dài 38 km với mức đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng theo hình thức BOT, được thiết kế 4 làn xe với tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng, đảm bảo cho các xe chạy với tốc độ 80 km/h (ngoài đô thị) và 60 km/h (trong đô thị).

Năm 2013, dự án được khởi công, theo thiết kế trạm thu phí đặt trên Quốc lộ 1A, tại thị xã Ninh Hòa, cách trạm thu phí hầm Đèo Cả 70 km. Vị trí này đảm bảo khoảng cách trên trên 70 km giữa hai trạm trên cùng một tuyến đường, theo tiêu chí của Bộ Giao thông Vận tải.

Hơn hai năm thi công, dự án đưa vào hoạt động. Tháng 1/2016, trạm Ninh An bắt đầu thu phí với giá vé thấp nhất 35.000 đồng và cao nhất 200.000 đồng; thời gian thu phí gần 22 năm để hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Đầu tháng 11, hàng chục tài xế dùng tiền lẻ 200, 1.000 đồng mua vé qua trạm nhằm phản đối việc thu phí giá cao. Người dân địa phương cũng cho rằng chỉ đi đoạn ngắn nhưng phải đóng phí.

Ngoài ra, nhiều tài xế cho rằng việc đặt trạm Ninh An tại xã Ninh Lộc là không hợp lý do các xe đi từ Quốc lộ 26 ra Quốc lộ 1 về phía Nam (Đăk Lăk về Nha Trang) chỉ sử dụng gần 6 km thuộc dự án BOT.

Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa sau đó gửi văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục đường bộ giải quyết miễn cho 170 ôtô ở ba xã gần trạm BOT và được chấp thuận.

Tuy nhiên, những ngày qua các tài xế không thuộc diện miễn giảm tiếp tục phản đối. Họ đưa tiền lẻ mua vé, đòi thối 100 đồng khiến khu vực hỗn loạn, buộc trạm BOT phải lần đầu xả trạm hôm 4/12.

Tài xế liên tục dùng tiền lẻ

Tài xế liên tục dùng tiền mua vé để phản đối trạm thu phí Ninh An tại Khánh Hòa. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trước những phản ứng gay gắt, hỗn loạn tại trạm thu phí Ninh An, sáng 5/12 lãnh đạo BOT Ninh An đã đối thoại với hơn 10 tài xế và hỗ trợ họ làm những thủ tục cần thiết để được miễn giảm.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải đánh giá việc đặt trạm thu phí Ninh An phù hợp hay không; kiểm tra việc miễn giảm cho người dân qua trạm BOT.

Ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đèo Cả Khánh Hòa - chủ đầu tư trạm thu phí Ninh An - cho biết, trước khi BOT Quốc lộ 1A chưa định hình, có một trạm BOT thu phí cho dự án hầm Đèo Cả đặt tại xã Ninh An gọi là trạm Ninh An, cách vị trí hiện nay hơn 10 km. Trạm BOT này sau đó giải thể. 

Theo ông Tự, khi dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A hoàn thành, Công ty cổ phần Đèo Cả Khánh Hòa xây trạm thu phí tại xã Ninh Lộc để đảm bảo khoảng cách quy định giữa hai trạm và vị trí này nằm trong dự án, được Bộ Giao thông duyệt.

"Có thể việc lấy tên Ninh An đã khiến nhiều người hiểu nhầm với trạm thu phí cũ. Đây là hai trạm khác nhau. Đơn vị đang thực hiện các thủ tục đổi tên thành trạm Ninh Lộc", ông Tự nói.

Về việc nhiều tài xế phản ứng vì cho rằng trạm BOT đặt tại xã Ninh Lộc để "đón đầu" các xe từ Quốc lộ 26, ông Tự nói rằng, đây là trạm thu phí hở, có rất nhiều đường ngang vào Quốc lộ 1 nên không thể hài hòa tất cả. "Các tài xế từ Đăk Lăk đến Khánh Hòa, rồi đi về phía Bắc và chạy trên cung đường đơn vị đầu tư hơn 30 km, song không hề thu phí", ông Tự khẳng định.


Bài viết cũ Bài viết mới


Scroll To Top